Ngành da giày Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia. Mặc dù giá trị gia tăng của ngành da giày không lớn, nhưng với trên 800 doanh nghiệp và gần 1 triệu lao động, ngành đã mang lại công việc cho một số lượng lớn lao động phổ thông, trong đó số lao động nữ chiếm tới 85%.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất giày dép lớn nhất thế giới về số lượng sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, nhưng là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về trị giá, sau Trung Quốc và Italia. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước, tại Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản, giày dép Việt Nam tiếp tục tăng thị phần và đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc.
Phần lớn các doanh nghiệp da giày Việt Nam là các DNNVV, chưa có thương hiệu riêng cho mình và khả năng thâm nhập thị trường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là thị trường nước ngoài. Hình thức sản xuất chủ yếu là gia công xuất khẩu, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu do nước ngoài chỉ định, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu.
Lao động trong ngành da giày chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Tỷ lệ chi phí nhân công trong giá thành cao. Năng suất lao động trong ngành còn rất thấp, công nghệ sản xuất giày vẫn chưa có những cải tiến đáng kể trong thời gian dài, trình độ quản lý chưa cải tiến và theo kịp các doanh nghiệp da giày FDI khác.
Ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành da giày chưa phát triển hoặc thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm (nguyên phụ liệu) của một số doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu để sản xuất hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất có sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nhưng chưa đáp ứng được tiến độ giao hàng (do sự thay đổi mẫu mã nhanh chóng và thời gian cung cấp ngắn). Chưa chủ động trong việc tổ chức sản xuất, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thuật, tiến độ cung ứng vật tư và đặc biệt là tính thời trang của sản phẩm (theo mùa) nên thường bị động trong việc đáp ứng thời gian giao hàng cho khách hàng, phải thường xuyên tổ chức làm thêm giờ, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, theo nhận định chung của các doanh nghiệp da giày, trong những năm qua các đơn đặt hàng từ các nước giá mua không tăng mà còn có xu hướng giảm đi, do sự chi tiêu cho tiêu dùng giảm. Sự thương thảo về giá rất khó khăn khi chi phí sản xuất trong nước tăng cao do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là chi phí nhân công. Và một số yếu tố ảnh hưởng đến chi phí nhân công trong giá thành sản phẩm gia giày và sự ảnh hưởng của việc điều chỉnh lương tối thiểu.
Thông thường các doanh nghiệp da giày thường xây dựng thang bảng lương theo cấu trúc: Lương cơ bản theo hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp khác có tính chất như tiền lương và tiền thưởng.
Lao động ngành da giày chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, mức lương cơ bản tối thiểu tại các doanh nghiệp xây dựng thường rất sát với mức lương tối thiểu vùng do nhà nước qui định. Nên việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì các doanh nghiệp da giày sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Các doanh nghiệp phải xây dựng lại thang bảng lương sao cho vừa phù hợp với qui định và phải mang tính công bằng trong toàn doanh nghiệp.
Theo thu thập của Hiệp hội da giày, thu nhập bình quân cho người lao động trong toàn ngành (2014) đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng. Chi phí nhân công mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động 6,5 – 7 triệu đồng/người/tháng (Tiền lương, các khoản phụ cấp, trích nộp bảo hiểm, tiền thưởng, các chế độ phúc lợi khác..), thì mức chi phí mà doanh nghiệp phải chi thêm từ 1.092.000 đến 1.176.000 đồng/người/tháng.
Luật bảo hiểm 2014 có hiệu lực từ 01/01/2016, thì mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp (áp dụng từ 2018). Hiện tại chỉ áp dụng mức lương ghi trên hợp đồng lao động. Đồng thời, từ năm 2016, nhiều chính sách về BHXH, an toàn vệ sinh lao động có hiệu lực đòi hỏi doanh nghiệp phải chi thêm nhiều khoản liên quan tới hỗ trợ lao động nữ, chính sách đảm bảo an toàn vệ sinh lao động…
Mặc khác, việc điều chỉnh đây là các ngành hướng ra xuất khẩu nên các doanh nghiệp da giày còn phải chi trả nhiều chi phí cho việc thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Trong điều kiện sản xuất đang khó khăn như hiện nay, đặc biệt là thị trường đầu ra, thì đây thực sự là cú sốc lớn đối với doanh nghiệp da giày. Đứng trước tình trạng này, các doanh nghiệp buộc phải có những ứng ứng phó khác nhằm giảm đi mức tăng này bằng cách giảm các khoản tiền lương mềm và các khoản phúc lợi cho người lao động, thậm chí là không thực hiện các nghĩa vụ mà người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động dẫn đến mâu thuẩn giữa doanh nghiệp và người lao động, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh lương tối thiểu với tỷ lệ đề nghị như trên sẽ làm cho Việt Nam mất đi lợi thế thương mại trong quá trình đàm phán với khách hàng, làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư. Các DNNVV buộc phải có những chính sách điều chỉnh hợp lý, các doanh nghiệp lớn thì không dám nhận nhiều đơn hàng, hay đầu tư mở rộng sản xuất, thậm chí còn phải thu hẹp qui mô… Điều này sẽ dẫn đến tình trạng thất nghiệp sẽ nhiều hơn.
Ngoài ra, như đã trình bày ở trên, ngành da giày Việt Nam hiện nay chủ yếu là gia công xuất khẩu, sản phẩm mang tính chất thời trang và theo mùa (AW/SS), các doanh nghiệp thường không chủ động trong việc kiểm soát tiến độ cung ứng vật tư và thời gian giao hàng, nên phải thường xuyên tổ chức làm thêm giờ và phải chi trả tiền lương cho thời gian làm thêm giờ (tính bằng 150%; 200%; 300%… lương). Đây là một khoản thu nhập không nhỏ đối người lao động. Tuy nhiên, theo qui định của Nhà nước thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm, trong khi các nước Đông Nam Á và các nước khác ở trên thế giới qui định thời gian làm thêm giờ cao hơn Việt Nam rất nhiều. Đây là một trong những rào cản đối với DN da giày khi phải đối mặt với áp lực về thời gian giao hàng. Đồng thời đối với khoản thu ngân sách sẽ giảm khi chưa thu được thuế TNCN!
Việc hoán đổi ngày nghỉ (Nghỉ lễ, tết) sang ngày làm việc bình thường cũng gây rất nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính, hải quan cũng như tiến độ cung ứng nguyên vật liệu.
Từ chỉ số tăng trưởng GDP, chỉ số hàng tiêu dùng CPI, khả năng tăng năng suất lao động và sức tiêu thụ của thị trường, đặc biệt là sức chịu đựng của doanh nghiệp ngành da giày, các doanh nghiệp đề xuất tăng lương tối thiểu 8-10% so với mức lương hiện tại. Tuy nhiên, cần công bố lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu cho doanh nghiệp; Xây dựng khung lương tối thiểu theo vùng, miền và theo ngành nghề. Đồng nhất lương tối thiểu trong nền kinh tế, không phân biệt giữa khối nhà nước và khối doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cần thay đổi qui định về thời gian làm thêm giờ cho phù hợp với xu thế chung của thế giới, Cần có chính sách cụ thể hổ trợ cho ngành da giày thay đổi công nghệ sản xuất bằng việc hổ trợ vốn, lãi suất ưu đãi; và chính sách đào tạo, huấn luyện cho người lao động về tác phong công nghiệp, tính độc lập trong sản xuất.
Hà Duy Hưng
Phó Chủ tịch HH da giày, túi xách VN
Chủ tịch Hội Da giày TP HCM
Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP CN Đông Hưng